Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân trong cuộc chuyện trò với tôi có kể rằng, một lần đi dự hội nghị của một đơn vị thuộc quyền, khi gần kết thúc, anh hỏi, giờ các đồng chí còn có đề xuất gì nữa không? Cả hội trường im lặng, rồi bất ngờ một đồng chí thiếu tá, đại đội trưởng đại đội công binh xây dựng công trình đứng lên đề nghị: “Thủ trưởng cho bọn em xin thêm ít đất”…
“Tôi mới nghĩ, hiện giờ người ta chỉ xin đất để làm nhà làm cửa, làm dự án, lo làm giàu... Còn lính sắp ra đảo sao lại lăn phăn chuyện này, nên mới bảo: chuyện ổn định đời sống cán bộ chiến sĩ đã có chính sách chung của quốc gia, của Bộ Quốc phòng, cậu xin thêm đất làm gì?”.
Hóa ra không phải cậu ấy xin đất làm nhà. Theo tiêu chuẩn, cán bộ đội viên ra đảo, ra nhà giàn làm việc đều được phát một bao đất bột. Thời nay thì còn có đủ loại đất dinh dưỡng, chứ trước chỉ là đất màu thường nhật mua ở ruộng trong đất liền đập vụn. Mỗi cán bộ tùy theo thời gian làm việc, địa bàn công tác, sẽ được chia một bao đất to nhỏ khác nhau, giống như tiêu chuẩn đường sữa, lương thực phẩm...
Ra đảo, mỗi người có một cái khay, rải đất lên để gieo hạt, lấy rau ăn. Những lúc mùa yên biển lặng thì đỡ, nhưng đồng chí thiếu tá này làm việc điều kiện trên đảo mọi thứ còn hoang vu, chưa có cơ sở vật chất gì. Sóng gió nhiều lần hắt nước biển lên khay rau khiến đất mau chóng bị chai đi và rau chẳng thể lên nổi. Anh ấy xin thêm đất vì hạt rau thì có, nhưng đất bột thì không, nên chẳng biết tăng gia thế nào.
Câu chuyện của vị tướng hải quân khiến mỗi lần lên đảo, lên nhà giàn hay nói chuyện với lính, tôi đều hỏi về câu chuyện tăng gia. Và có chứng kiến lính đảo nâng niu từng khay đất trồng rau, mới thấy đất và nước ở Trường Sa quý giá thế nào.
Trung úy Nguyễn Toàn Thắng, Chính trị viên đảo Đá Lớn B bảo, được tắm nước ngọt đã đời và rau xanh ăn thỏa thích là những mong ước rất xa xỉ khi Trường Sa hiện đã 4 tháng rồi không mưa. Thấy tôi thắc mắc về những khay rau xanh mướt được đặt bất cứ chỗ nào kín gió, anh Thắng cười: lính ở đây chăm rau còn khổ hơn chơi bonsai ở lục địa. Rau chỉ hái lúc đã già, chứ đẵn trồng cho mát mắt, xanh đảo!
Còn Trung úy Phan Văn Huỳnh, Chỉ huy trưởng Đá Lớn B thì xót ruột: Sáng ra có buổi nhìn khay rau còn xanh mướt đêm qua, nay đã bị chuột gặm sạch mà đau quá. Nước thì thiếu đã hẳn, nhưng có được tí đất trồng rau cũng không dễ đâu anh. Bọn tôi phải bưng bít suốt ngày. Những khi sóng gió, nước biển bắn lên, không nhanh mà cất khay đất đi thì rau táp đành rằng, đất dính muối mặn chai đi, có chăm thế nào, rau cũng không mọc lên được nữa.
Chuyện trò với những người lính này, tôi tin chắc rằng, những ai đã ra Trường Sa, ra những điểm đảo chỉ có nắng gió, sóng biển và từng gam đất được nâng niu, hẳn sẽ không bao giờ dùng cái câu thành ngữ hiện đại “nhiều như đất” để ví von điều gì. Vì ở đó, từng khay đất trồng rau xanh như cũng được tưới bằng những giọt mồ hôi của lính.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét